Kinh tế Đầm Lập An

Những chiếc lốp xe nuôi hàu chất chồng ven bờ Đầm Lập An

Giai đoạn 1975–1986, hoạt động kinh tế của vùng Đầm Lập An chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp (trồng dừa và cây lương thực) và khai thác muối. Đặc điểm của các hoạt động kinh tế này là diễn ra trong thời gian ngắn và không mang lại hiệu quả cao. Đến những năm cuối thế kỉ 20, nghề nuôi tôm sú mới xuất hiện và nhanh chóng trở thành một phong trào.[22] Năm 1997, xuất hiện nghề nuôi hàu tại Đầm Lập An,[23] nghề sau này trở thành phương tiện kinh tế chính của cư dân sống quanh đầm.[24] Dựa vào tập tính sống bám của hàu, người nuôi sử dụng nhiều loại giá thể khác nhau như cọc gỗ, cọc tre, trụ xi măng, đá và các lồng treo trên giàn.[23] Ban đầu, người nuôi hàu dựng các cọc gỗ xuống đầm để hàu bám vào. Sau này, do nhận thấy việc này mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí mà lại nhanh hỏng nên người dân chuyển sang dùng lốp xe cũ.[25] Năm 1997, chỉ có một hộ nuôi hàu với vài chục cọc gỗ, nhưng 4 năm sau con số này đã tăng lên 103 hộ với hơn 56.000 cọc gỗ.[23] Đến năm 2016, có tổng cộng 224 hộ tham gia nuôi hàu tại Đầm Lập An. Con số này là 243 hộ vào năm 2019, với sản lượng hàng năm là 400–500 tấn. Bình quân mỗi hộ thu nhập khoảng 30–100 triệu đồng/năm.[24] Do đó, Đầm Lập An là vựa hàu lớn nhất của vịnh Lăng Cô.[25]

Có 5 loài hàu được nuôi ở khu vực Đầm Lập An, gồm hàu cửa sông (Crassotrea rivularis), hàu sữa Thái Bình Dương (Crassotrea gigas), hàu mỏ vịt (Crassotrea sp1.), hàu ốc (Crassotrea sp2.) và hàu đá (Saccostrea cucullata). Trong đó hàu cửa sông là loài được nuôi nhiều nhất.[26] Mùa vụ nuôi thường kéo dài từ 9 đến 11 tháng (từ tháng 3 đến tháng 12 hoặc tháng 1 của năm sau).[27] Giá bán giao động từ 3.000 đồng/kg đến 40.000 đồng/kg tùy từng loại và chất lượng.[28]

Bên cạnh nghề nuôi hàu, người dân sống quanh khu vực Đầm Lập An còn nuôi trồng các loại thủy sản khác như cá lồng bè, vẹm xanh và các nghề khai thác thủy sản khác nhau như lưới bén, lừ xếp, rớ giàn, đáy...[29] Năm 2003, sản lượng nuôi trồng khai thác thủy sản của người dân trong đầm đạt 127 tấn, trong đó chiếm phần lớn là nuôi tôm (80 tấn). Sản lượng cá mú đạt 7 tấn, vẹm xanh đạt 18 tấn, hàu đạt 13 tấn và 2 tấn ốc hương.[18]

Ngoài các ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, Đầm Lập An còn nổi tiếng với nghề nung vôi hàu, đáp ứng sản lượng 100 tấn vôi hàu cho khu vực từ Quảng Bình đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Theo số liệu năm 2011, mỗi chủ nung vôi hàu có mức thu nhập bình quân khoảng 400 nghìn đến 4 triệu đồng/ngày, riêng người lao động có mức thu nhập từ 100 - 200 nghìn đồng/ngày.[30] Tuy nhiên, nghề nung vôi hàu đã chính thức dừng hoạt động vào năm 2013.[31]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đầm Lập An //doi.org/10.13140%2FRG.2.1.4107.6243 //doi.org/10.26459%2Fhueunijard.v130i3a.5871 //doi.org/10.26459%2Fjard.v75i6.3157 //doi.org/10.46826%2Fhuaf-jasat.v5n1y2021.485 //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //www.worldcat.org/issn/1859-3941 //www.worldcat.org/issn/2588-1256 http://baochinhphu.vn/Doi-song/Hau-nuoi-tren-lop-c... http://baodientu.chinhphu.vn/Utilities/PrintView.a... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh...